Trong các tiết dạy, giáo viên thường sử dụng linh hoạt các phương pháp như phương pháp vấn đáp, phương pháp đặt và giải quyết vấn đề, phương pháp hoạt động nhóm, phương pháp động não,…đặc biệt là phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Thực hiện kế hoạch năm học của nhà trường về việc tổ chức các chuyên đề cấp trường, trong hai ngày 23, 24 tháng 03 năm 2021, cô giáo Nguyễn Thị Vân – GVCN lớp 5A2 và cô giáo Trần Thúy Hồng – GVCN lớp 5A3 đã tiến hành thực hiện chuyên đề áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” với môn Khoa học bài: “Cây con mọc lên từ hạt”, “Cây con mọc lên từ một số bộ phận của cây mẹ”.
Tiết học vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” đã thực sự đem lại sự hứng khởi, niềm say mê học tập cho các em học sinh. Các em không chỉ được chủ động tìm tòi, tiếp thu kiến thức môn học mà còn được kiểm chứng nội dung đã học qua thực hành các thí nghiệm gắn liền với thực tế. Phương pháp này chú trọng tới việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát kết quả. Với một vấn đề khoa học, học sinh có thể đặt ra câu hỏi, giả thiết từ hiểu biết ban đầu, tiến hành thí nghiệm, nghiên cứu, kiểm chứng, so sánh, phân tích, thảo luận và đưa ra kết luận phù hợp. Phương pháp này kích thích sự tò mò, ham mê khám phá của học sinh.
Trong tiết học, các em cùng khám phá cấu tạo của hạt, nơi cây con có thể mọc lên từ một số bộ phận của cây mẹ thông qua 5 bước dạy của phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Từ việc bộc lộ những hiểu biết ban đầu, học sinh cùng nhau trao đổi đề xuất phương án thực nghiệm để giải đáp các băn khoăn thắc mắc. Tiếp đó, các em được thực hành làm thí nghiệm, quan sát vật thật mà mình mang đến để tìm hiểu được cấu tạo của hạt gồm có những gì, cây con có thể mọc lên từ những bộ phận nào của cây mẹ. Qua quan sát thực hành thí nghiệm, các em sẽ được tự mình kiếm chứng thực tế và rút ra kết luận. Các em tích cực trao đổi, giao lưu giữa các nhóm rất sôi nổi và đạt hiệu quả cao. Qua các hoạt động đó, các em sẽ ghi nhớ kiến thức được rất lâu.
Thật vui và xúc động khi nhìn thấy niềm vui, sự thích thú của các em học sinh khi được chính tay mình thực hành thí nghiệm theo sự hướng dẫn của giáo viên để tự chiếm lĩnh các kiến thức của bài học. Sự phối kết hợp và sự dẫn dắt của giáo viên dạy thật sự đã thu hút được các em vào tiết học. Phương pháp dạy học này mang đến cho học sinh những trải nghiệm thú vị và giúp các em tự tin, mạnh dạn và hoạt bát hơn.
Với mong muốn đem lại hiệu quả cao nhất trong chương trình giảng dạy, giáo viên khối 5 đã, đang và sẽ tiếp tục không ngừng đổi mới các phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, các kĩ thuật dạy học tích cực trong tiết dạy để ngày càng khẳng định chất lượng chuyên môn của nhà trường, góp phần xây dựng ngôi trường Tiểu học Thạch Bàn B luôn là địa chỉ tin cậy đối với các bậc cha mẹ học sinh.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TIÊU BIỂU CỦA CHUYÊN ĐỀ