I. Thông tin:
1. Thời gian: Giờ chào cờ ngày 4/10/2021
2. Hình thức: Trực tuyến (Gửi Video cho GVCN)
3. Người giới thiệu: Đỗ Ngọc Linh Đan – (HS trường Tiểu học Thạch Bàn B)
4. Thông tin thư mục: Cuốn Sách “Hà Nội 36 phố phường” tác giả Thạch Lam- NXB Văn học; dày 312 trang, khổ 13 x 20,5cm
II. Nội dung:
“Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội…”. Quả thật, ai đã từng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội thì sẽ không thể nào quên được tình yêu dành cho Hà Nội – một tình yêu không dễ để gọi tên, chỉ biết ngắm nhìn, trân trọng, nâng niu. Cuốn sách Hà Nội 36 phố phường là một tác phẩm giúp ta hiểu thêm về một Hà Nội như thế, hiểu thêm những nét đẹp của thủ đô yêu dấu.
Hà Nội 36 phố phường là tập bút kí nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam tập hợp lại những bài viết in trên báo sau khi ông qua đời, do nhà xuất bản Văn học phát hành. Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Vinh (1910 – 1942), sinh ra ở Cẩm Giàng, Hải Dương. Ông là cây bút tiêu biểu của nhóm Tự lực văn đoàn.
Hà Nội 36 phố phường chủ yếu viết về chuyện phố, chuyện phường, đời sống dân sinh, đặc biệt là đi sau vào thứ quà chỉ riêng nơi đây mới có.Trên mỗi trang viết mộc mạc, giản dị là hình ảnh Hà Nội xưa quyến rũ lạ kì, dừng chân bất cứ vị khách nào qua lại.
Cuốn sách là tập hợp 21 bài kí nhỏ như 21 bức họa đầy hoài niệm dựng nên hình ảnh Hà Nội xưa với nhiều cảnh đời khác nhau. Đó có thể là những người phụ nữ tần tảo sống một cuộc đời lam lũ, vất vả với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhưng thấp thoáng trong những cảnh đời éo le đó là tình yêu đôi lứa trong sáng và thuần khiết. Tất cả là những câu chuyện về những con người Hà Nội nép mình dưới những con phố khác nhau, với những mảnh ghép cuộc đời khác nhau hiện lên đơn sơ dưới ngòi bút chân thực của tác giả.
Với Hà Nội 36 phố phường, tác giả cũng bày tỏ niềm thương cảm với những người bán rong, những thân phận nhỏ bé lam lũ kiếm sống, mưu sinh trong đêm bất chợt nhận ra rằng đằng sau một Hà Nội phồn hoa vẫn còn đó những mảnh đời nhọc nhằn, cơ cực đến thế.
Ấn tượng hơn cả trong tác phẩm cuả Thạch Lam có lẽ là những trang về văn hóa ẩm thực của người Hà Thành. Qua cách hành chữ nhẹ nhàng, thủ thỉ, các thức quà xưa hiện lên khiến bất cứ ai cũng phải xuýt xoa, phải gật gù, phải thèm thuồng, phải say đắm. Đó là bún sườn, canh sườn, là cốm xanh, là bánh đậu, là bánh khảo, kẹo lạc, mỗi thứ quà đều được tác giả tả khéo léonhằm mang tới hình dung rõ nét nhất về hương vị của người Tràng An. Hơn thế, ông còn đẩy các món ăn ấy lên tầm cao hơn khi khẳng định qua bài kí “Quà Hà Nội”.
Trong số những người yêu Hà Nội, tôi tin Thạch Lam là người yêu Hà Nội hơn cả. Chỉ qia một tập tùy bút nhỏ, đọc giả đã có thể thấy tâm hồn của Thạch Lam như đồng điệu với Thăng Long cổ kính thanh tao.
Với lối hành văn nhẹ nhàng, thanh thoát, Thạch Lam đã hóa bất tử với những cái bình thường làm rung động con tim người mến thương Hà Nội. Giọng văn Thạch Lam không gay gắt, khoa trương mà nhỏ nhẹ như lời thủ thỉ của thiếu nữ đang tâm tình với người thương. Tác phẩm là lời nhắc nhở chúng ta dù hội nhập, dù hòa mình vào quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa hiện nay, con người Tràng An thanh lịch và cả thành phố dấu yêu này hãy cùng ngắm lại, giữ chọn giá trị văn hóa cốt lõi, tinh hoa của một thời vàng son. Tác phẩm là lời nhắc nhở chúng ta cần chung tay bảo vệ cội nguòn dân tộc, xây dựng thủ đô Hà Nội ngày một giàu đẹp hơn.
Hà Nội 36 phố phường đã thể hiện tấm lòng trân trọng của Thạch Lam đối với văn hóa và quá khứ của Hà Nội. Ai trong chúng ta cũng nên có trong tay cuốn sách này, tập bút kí nổi tiếng chỉ dành riêng cho vẻ đẹp Hà Nội. Tự mình hít thả đầy lồng ngực hương thơm của góc nhỏ xưa cũ, thả hồn vào dòng lịch sử mênh mang của thủ đô yêu dấu để nhớ mãi rằng: Hà Nội xinh xắn lắm, đừng có mơ về những nơi xa xôi mà chẳng mơ về Hà Nội.
Các bạn biết không có những cuốn sách không chỉ để đọc mà còn để trân trọng và nâng niu. Hà Nội 36 phố phường là một trong những cuốn sách như thế . Bạn hãy tìm đọc cuốn sách này tại thư viện trường Tiểu học Thạch Bàn B nhé. Tạm biệt các bạn, hẹn gặp lại các bạn vào lần sau.