I. Thông tin:
1. Thời gian: Giờ chào cờ ngày 30/09/2024
2. Hình thức: Trực tiếp (Giới thiệu tại sân trường)
3. Người giới thiệu: Học sinh
4. Thông tin thư mục: Cuốn Sách “Cổ tích và Thắng cảnh Hà Nội” của Doãn Kế Thiện do NXB Kim Đồng phát hành năm 2020, in trên khổ 14 x 22,5 cm
Kính thưa quý thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Cách đây 70 năm, ngày 10/10/1954, trong rừng cờ đỏ sao vàng, các cửa ô Hà Nội ngập tràn niềm vui chiến thắng đón chào đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô. Kể từ ngày đó đến nay, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước.
Trong dòng chảy ngàn năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, kể từ “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đối mặt với biết bao kẻ thù, mảnh đất ấy không chỉ ghi lại những chiến công hào hùng làm nên những bản anh hùng ca bất diệt mà còn ghi lại nhiều công cuộc sáng tạo Vĩ đại cần cù của cả một dân tộc:
Thăng Long Hà Nội đỏ thành
Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ
Cố đô rồi lại tân đô
Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây.
Hôm nay, trong lễ khai mạc “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”, nhân dịp ki niệm 70 năm ngày Giải phóng thủ đô (10/10/1954 -10/10/2023), em xin trân trọng giới thiệu tới thầy cô và các bạn cuốn sách “Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội” của nhà văn Doãn Kế Thiện. Đây là công trình đầu tiên biên soạn về những di tích lịch sử Thăng Long – Hà Nội, cung cấp nhiều tư liệu có giá trị.
Cuốn sách “Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội” do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành vào năm 2020, sách dày 200 trang, được in trên khố giấy 14×22,5cm. Bìa sách được in bằng bìa cứng nổi bật là hình ảnh Hồ Gươm với Tháp Rùa – một trong những biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nội dung cuốn sách gồm 2 phần:
Phần một – Dấu vết thành xưa ghi lại những thay đổi của Thủ đô qua các triều đại từ thời nhà Lý cho đến khi thành Thăng Long bị thực dân Pháp tàn phá, chiếm đóng. Hà Nội trở thành Thủ đô của nước ta ngay từ đầu thời chấm dứt ách thống trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc hơn ngàn năm. Năm 1010, Lý Thái Tổ tức Lý Công Uấn thay nhà Tiền Lê lên cầm quyền, đã dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Kể từ đó đến năm 1945 là thời kỳ nước ta bắt đầu xây dựng nên một quốc gia mới: Việt Nam dân chủ cộng hòa, thì Hà Nội đã trải qua bảy triều đại và hai lần ngoại cuộc. Trong ngót ngàn năm ấy, bao nhiêu công trình kiến trúc đã được xây dựng, tôn tạo đã điểm xuyết góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của mảnh đất Hà Nội – địa linh nhân kiệt – nơi lắng hồn núi sông ngàn năm. Nhưng ngày lại, tháng qua, sao dời, vật đổi, một số thắng cảnh đã bị xóa nhòa theo dĩ vãng, chỉ còn lại trong hoài niệm. Chính vì lẽ đó mà nữ thi sĩ bà Huyện Thanh Quan đã viết ra những dòng thơ chất chứa nỗi lòng:
“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
Bên cạnh đó tác giả cũng kể cho bạn đọc những chuyện cũ quanh thành xưa về chợ phiên Bạch Mã, quán trạm Bồ Đê, đình Quảng Văn, …Lật mở những trang sách, các bạn sẽ được du lịch xuyên thời gian, trở về thủ đô những ngày tháng xa xưa, từ thời thành Đại La, cho tới Thăng Long, Hà Nội, hòa vào cảnh sắc, cổ tích và giai thoại của vùng đất vạn vật, các bạn sẽ bỏ túi cho mình một khối lượng kiến thức lịch sử phong phú.
Phần hai – Thắng cảnh Hà Nội. Trong phần này, tác giả đã mở ra một bức tranh sống động với những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp làm say mê lòng người cùng với những công trình kiến trúc thể hiện tài năng, sức sáng tạo, văn hóa của con người Thủ đô và cả nước. Với giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, tác giả đã dẫn dắt người đọc tìm hiểu, khám phá những thắng cảnh nổi tiếng của thủ đô Hà Nội làm nên biểu tượng Thăng Long – Hà Nội – ngàn năm văn hiến. Đó là Hồ Hoàn Kiếm đẹp lung linh, huyền ảo gắn với truyền thuyết trả gươm của vua Lê Lợi và những công trình kiến trúc độc đáo. Đó là Hồ Tây nên thơ, hùng vĩ, mênh mông sóng nước: “Sương lam phủ đất chim chờ gió – Sóng bạc tung giời cá đớp mây”. Theo từng trang sách những bí ẩn, huyền thoại chìm trong làn nước mênh mông cũng dần được tác giả hé mở. Mỗi tên gọi của Hồ Tây gắn với một sự tích cội nguồn hay dấu ấn lịch sử.
Càng đọc càng say, cuốn sách như dắt ta vào một thế giới cổ tích vừa đẹp vừa cố kính vừa mang tính lịch sử của mảnh đất Kinh Kì này như Văn Miếu Quốc Tử Giám – biểu tượng của truyền thống hiếu học, tôn sư trong đạo; chùa Một Cột – điểm đến tâm linh, biểu tượng văn hóa ngàn năm của Hà Nội với kiến trúc nghệ thuật độc đáo; Gò Đống Đa nơi ghi dấu chiến công hào hùng của dân tộc với chiến thắng oanh liệt, lẫy lừng của nghĩa quân Tây Sơn. Với cách viết tự nhiên, câu văn giàu hình ảnh, giàu cảm xúc cùng với những tư liệu lịch sử phong phú cuốn sách để lại trong em niềm tự hào và tình yêu tha thiết với thủ đô Hà Nội thân yêu.
Hy vọng qua cuốn sách này, các bạn sẽ thêm yêu quý mảnh đất Hà Nội linh thiêng – nơi lắng hồn núi sông ngàn năm; có ý thức bảo tồn các di tích lịch sử; đồng thời ra sức học tập, rèn luyện để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với tinh thần chiến đấu và sức sáng tạo của các bậc tiền nhân. Các bạn hãy tìm đọc cuốn sách “Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội” để khám phá các thắng cảnh và thả hồn mình vào dòng lịch sử mênh mang của thủ đô yêu dấu nhé.
Buổi giới thiệu sách tháng 10, chủ để “Hà Nội ngàn năm yêu dấu” của thư viện nhà trường đến đây là hết rồi. Hẹn gặp lại các bạn ở buổi giới thiệu sách tháng 11 với chủ đề "Biết ơn Thầy cô giáo"!
Chúc các bạn 1 tuần học mới hiệu quả. Kính chúc sức khỏe tất cả các thầy cô giáo.