Sốc nhiệt (hay say nắng, cảm nắng) là một loại bệnh nhiệt nghiêm trọng. Thông thường, trung khu điều nhiệt giữ nhiệt độ cơ thể luôn ở mức cân bằng, không thay đổi nhiều theo tác động của môi trường. Khi tiếp xúc với nắng nóng kéo dài, gắng sức khiến trung tâm điều nhiệt bị tổn thương hoặc không còn điều khiển nổi sự cân bằng đó thì nhiệt độ cơ thể sẽ tăng mạnh, gây rối loạn các chức năng trong cơ thể, nhất là hệ thần kinh, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
1. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là:
Người già, trẻ em, phụ nữ: Là những người có khả năng chịu đựng kém
Người mắc bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, gan, ung thư,...
Những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng,...
2. Biểu hiện của sốc nhiệt và cách xử lý
Sốc nhiệt có thể khởi phát có thể đột ngột hoặc từ từ. Một số biểu hiện của sốc nhiệt là:
• Ra mồ hôi nhiều, đau cơ, yếu cơ, chuột rút, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, choáng hoặc ngất.
• Sốt cao trên 39 - 40 độ C
• Da khô, nóng.
• Rối loạn ý thức như mê sảng, co giật, hôn mê. Đây là tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng, cần được xử trí tại chỗ ngay rồi đưa đi cấp cứu.
3. Cách xử lý khi bệnh nhân có biểu hiện bị sốc nhiệt bằng cách hạ nhiệt, mát cơ thể nhanh chóng và các biện pháp chăm sóc hỗ trợ qua các bước:
• Nhanh chóng di chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực nắng nóng, vào nơi mát mẻ.
• Đặt nạn nhân nằm xuống, cởi bớt quần áo ra. Sử dụng nước lạnh hoặc khăn ướt phủ lên toàn bộ cơ thể người bị sốc nhiệt, đồng thời dùng quạt thổi để hạ nhiệt. Có thể phun nước vào người, sử dụng quạt, cho người vào nước đá.
• Cho uống nước ngay nếu còn tỉnh và không nôn nhiều. Đồng thời phải gọi ngay xe cấp cứu và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
• Trên đường đi, cần mở điều hòa hoặc cửa sổ xe cứu thương, tiếp tục đắp khăn ướt và nước lạnh lên cơ thể để làm mát. Truyền dịch tĩnh mạch nếu có thể và luôn theo dõi nhiệt độ cơ thể người bệnh.
• Nếu bệnh nhân đã bị tổn thương thận thì có thể phải lọc máu liên tục. Chăm sóc tích cực phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân.
4. Các phòng tránh sốc nhiệt: Nếu phải đi ra ngoài dưới ánh mặt trời, ánh nắng gắt chiếu vào da khiến thân nhiệt tăng lên. Khi đó, biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất sẽ bao gồm uống đủ chất lỏng và tránh nhiệt độ quá cao.
a. Luôn che chắn khi ra ngoài trời
b. Duy trì độ ẩm cơ thể
c. Tránh uống rượu và cafein
d. Ăn nhẹ
e. Bôi kem chống nắng có chỉ số SPF và PA phù hợp
f. Đeo kính râm
g. Tăng cường rèn luyện sức khỏe