Bệnh sốt xuất huyết gia tăng nhanh trong các tuần gần đây do thời tiết nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và lây truyền bệnh. Đến ngày 04/8/2019, toàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 1852 ca mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận/huyện/thị xã, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2018. Tại Quận Long Biên đã có 33 ca mắc sốt xuất huyết lũy tính từ 01/01 đến 06/8/2019 (tăng nhanh trong 3 tuần gần đây với 21 ca mắc), tập trung chủ yếu ở phường Ngọc Lâm (16 ca)và rải rác ở các phường khác. Dự báo trong thời gian tới số mắc sẽ tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
1. BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT LÀ GÌ?
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây chết người, bệnh do virus Dengue gây ra, bệnh lây truyền từ người bệnh qua người lành do loại muỗi vằn. Muỗi vằn có đặc điểm là ở bụng và chân có những đốm trắng, chích hút máu người cả ban ngày và ban đêm.
2. TRIỆU CHỨNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT?
Sốt xuất huyết thường khởi phát rất đột ngột nhưng lại tiến triển qua 3 giai đoạn chính đó là:
- Giai đoạn sốt nóng: Ở giai đoạn này người bệnh thường có biểu hiện là sốt có nhiệt độ cao đột ngột lên đến 39 - 40 độ kéo dài từ 2 - 7 ngày, cơ thể mệt mỏi, đau đầu, đau nhức khắp cơ thể. Đau họng kèm theo cảm giác buồn nôn, có thể bị tiêu chảy.
- Giai đoạn xuất huyết (chảy máu): xuất huyết có sau sốt vài ngày, biểu hiện bằng các hình thức như xuất huyêt dưới da, da có những chấm đỏ, ấn không mất, hoặc xuất huyết tự nhiên như chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi tiêu ra phân đen vv. Có thể xuất huyết nội tạng, xuất huyết não gây tử vong.
- Giai đoạn sốc: Đây là lúc bệnh đã chuyển nặng thường rơi vào ngày thứ 3- 6 của bệnh. Đặc biệt, lúc trẻ em đang hết sốt cao chuyển sang dấu hiệu xuất huyết rõ ràng. Dấu hiệu của sốc sẽ bao gồm: mệt mỏi, li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh.
3. PHÒNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT?
Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh.
Bệnh lây truyền qua muỗi vằn. Muỗi vằn đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước trong, sạch như: lu, chum, vại, các vật dụng phế thải có chứa nước như gáo dừa, lon sữa bò, lốp xe. Muỗi vằn mỗi lần đẻ 10 đến 78 trứng, trứng sẽ nở thành lăng quăng, sau đó thành nhộng rồi thành muỗi trưởng thành.
Do đó diệt lăng quăng là cách phòng sốt xuất huyết dễ làm, rẻ tiền, ít độc hại. Vì vậy để phòng bệnh chúng ta cần thực hiện các khuyến cáo sau:
Phát quang cây cỏ rậm rạp chung quanh nhà, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ để tránh muỗi có nơi trú ẩn.
Khi ngủ cần ngủ trong mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi chích, tránh ngủ nơi nơi ẩm ướt, thiếu ánh sáng.
Diệt muỗi và tránh muỗi chích bằng cách sử dụng nhang diệt muỗi, thuốc diệt muỗi, vợt điện bắt muỗi hoặc bôi kem chống muỗi chích vv.
Không để muỗi có nơi sinh sản bằng cách chúng ta dọn dẹp các vật dụng có chứa nước đọng ở chung quanh nhà như vỏ đồ hộp , mảnh sành, vỏ xe, máng xối nước có đọng lá cây ẩm, bình cắm hoa vv.
Các vật chứa nước sinh hoạt hằng ngày như lu, hồ chứa nước cần đậy nắp kín hoặc được cọ rửa tuần/1 lần để diệt trứng muỗi và lăng quăng. Nếu bể nước, hồ nước không súc rửa hàng tuần được cần thả cá bảy màu để diệt lăng quăng. Đối với chén nước ở các chân tủ thức ăn phải cho ít muối vào để diệt trứng muỗi và lăng quăng.
* Vì sức khỏe của mỗi gia đình và của cả cộng đồng. Nhà trường kêu gọi tất cả mọi người hãy quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết với khẩu hiệu: “ Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có sốt xuất huyết”