Chuyên đề “Vận dụng hiệu quả phương pháp Bàn tay nặn bột trong giảng dạy môn Khoa học lớp 4”
Phương pháp “Bàn tay nặn bột” được biết đến như một phương pháp dạy học tích cực được áp dụng với các môn khoa học tự nhiên. Khác với phương pháp dạy học thông thường, phương pháp “Bàn tay nặn bột” đã phát huy được tối đa tinh thần làm việc theo nhóm của học sinh.
Thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023, chiều ngày 23 tháng 2 năm 2023, trường Tiểu học Thạch Bàn B tổ chức tiết chuyên đề “Vận dụng hiệu quả phương pháp Bàn tay nặn bột trong giảng dạy môn Khoa học lớp 4” với bài “Ánh sáng”. Mục đích của chuyên đề giúp nâng cao năng lực cho giáo viên về dạy học theo phương pháp Bàn tay nặn bột ở môn Khoa học; từ đó hướng dẫn học sinh tự học một cách linh hoạt, sáng tạo. Chương trình chuyên đề gồm 1 tiết dạy minh hoạ, trao đổi, thảo luận. Cô giáo Đinh Thị Hồng Quyến cùng các bạn học sinh lớp 4A1 đã thể hiện thành công tiết dạy có sự tham gia dự giờ của Ban giám hiệu nhà trường và các giáo viên chủ nhiệm khối 4.
Tiết chuyên đề thú vị tại lớp 4A1Học sinh làm việc nhóm, trao đổi, thảo luận sôi nổi
Tiết học có sử dụng phương pháp "Bàn tay nặn bột" góp phần không nhỏ tạo ra tính tò mò, ham muốn khám phá, say mê khoa học của học sinh. Phương pháp này chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm, các trò chơi, các nghiên cứu tìm hiểu do chính bản thân học sinh thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên để tự mình tìm ra câu trả lời, tự “bàn tay” của các em “nhào nặn” nên kết quả.
Các em học sinh được tự làm thí nghiệm để tìm ra kiến thức
Ngoài việc tìm hiểu kiến thức, học sinh còn được rèn luyện kỹ năng diễn đạt, phát triển kỹ năng nói và viết, giúp các em tự tin hơn. Không chỉ vậy, phương pháp này còn góp phần giúp học sinh phát triển năng lực quan sát, thực hành, sức sáng tạo và độc lập trong suy nghĩ.
Đại diện nhóm trình bày thí nghiệm sự truyền ánh sáng qua các vật
Việc làm các thí nghiệm giúp các em học sinh tự rút ra cho mình được những kết luận khoa học về sự truyền ánh sáng qua một số vật
Học sinh kết luận kiến thức sau khi đã làm thí nghiệm.
Qua tiết học, các em học sinh nêu được một số ứng dụng về việc vận dụng ánh sáng để phục vụ đời sống sinh hoạt của con người như: Làm cửa kính mờ để đảm bảo sự riêng tư, đèn màu để trang trí phố phường,...…
Cô giáo Trần Thị Bích Diệp - PHT - giao lưu với học sinh sau tiết dạy.
Tiết dạy đã diễn ra tự nhiên, sôi nổi và hơn nữa học sinh chủ động, tích cực khám phá khoa học. Sau khi tham dự tiết dạy, toàn thể các giáo viên trong khối đã thống nhất các bước tổ chức dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” để giáo viên mới trong khối học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn và có thể áp dụng ở những bài dạy khác.