Du xuân đầu năm là một trong những nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam ta đã có từ bao đời nay. Cứ mỗi độ xuân về người dân khắp nơi lại nô nức đi lễ chùa, cầu an với mong muốn một năm mới có nhiều sức khỏe, may mắn và thành công. Ngày 02/3/2024, Công đoàn trường Tiểu học Thạch Bàn B tổ chức cho CBGVNV và người nhà đi Lễ Chùa đầu năm cầu may mắn bình an tại cụm 4 chùa ở Sơn Tây – Hà Nội: Chùa Khai Nguyên – Đền Và – Chùa Mía – Làng Cổ Đường Lâm.
Sáng sớm, các thầy cô đã có mặt đông đủ tại Trường Tiểu học Thạch Bàn B. Đúng 7 giờ xe khởi hành đưa các thầy cô giáo đến địa điểm tham quan. Sau gần hai giờ, xe đưa đoàn đến địa điểm đầu tiên là Chùa Khai Nguyên.
Đoàn dừng chân tại điểm đến Chùa Khai Nguyên
Chùa Khai Nguyên cách trung tâm Hà Nội khoảng 45km. Với niên đại lịch sử từ nửa đầu thế kỷ XVI, chùa Khai Nguyên đã trải qua nhiều giai đoạn trồng tu và phục hung. Đến nay, diện tích chùa rộng - là nơi kết hợp tính tế của kiến trúc cổ và hiện đại. Điểm nổi bật nhất của ngôi chùa Khai Nguyên là tượng Phật A Di Đà. Đây là bức tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á với chiều cao 70m và diện tích bệ tượng lên đến 1.200m2.
Rời chùa Khai Nguyên, đoàn đến với Đền Và - Xứ Đoài (Sơn Tây, Hà Nội) - vùng đất cổ của Việt Nam là nơi tọa lạc của “tứ cung” từ những năm đầu Công Nguyên. Một trong tứ cung đó là đền Và hay còn được gọi là Đông Cung. Nơi đây được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia vào năm 1964.
Đoàn dừng chân tại điểm đến Đền Và
Đền Và - ngôi đền nằm trên đồi và được bao quanh bởi một rừng cây lim cổ thụ cùng những cánh đồng, có không khí trong lành và tươi mát quanh năm. Di tích này có quy mô lớn nhất trong gần 200 di tích lịch sử ở thôn Đoài. Đây là nơi thờ thần núi Tản Viên trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam - một trong bốn vị thánh bất tử của dân tộc Việt (cùng với Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Mẫu Liễu Hạnh).
Điểm đến cuối cùng của chuyến đi là Làng cổ Đường Lâm - một làng cổ lâu đời mang rất nhiều nét văn hóa đặc sắc. Cho tới ngày nay, ngôi làng vẫn giữ được những đặc trưng cơ bản của một ngôi làng xưa với đình làng, cây đa, bến nước, chùa miếu... Có thể nói, giá trị nghệ thuật ở nơi đây đã khiến cho Đường Lâm đã trở thành một điểm nhấn khi du lịch Hà Nội.
Đoàn đến với Làng cổ Đường Lâm
Làng cổ Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua”. Cho đến ngày nay, làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình,… với 956 ngôi nhà truyền thống. Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở nước ta được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Chuyến du xuân đầu năm đã đem đến cho mỗi công đoàn viên nhà trường niềm phấn khởi với mong muốn đầu năm sẽ đem lại nhiều may mắn, thuận lợi, vạn sự như ý trong công việc, trong cuộc sống. Không chỉ vậy, nó còn giúp đoàn viên công đoàn mở rộng tầm hiểu biết, tìm hiểu thêm những di tích lịch sử trên đất nước ta và đặc biệt là sự gắn kết giữa các đoàn viên công đoàn của trường TH Thạch Bàn B.