Hàng năm, khi ánh nắng xuân ấm áp bắt đầu ghé thăm mọi miền của Tổ quốc, những cây đào, cây mai đua nhau khoe sắc, đó cũng là lúc một năm mới, một mùa xuân mới đã về. Xuân về, mọi người lại tất bật trong niềm vui phấn khởi chuẩn bị chào đón mùa xuân mới, đón tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Tết cổ truyền của nhân dân ta hàng năm diễn ra vào những ngày đầu năm âm lịch, do vậy còn gọi là Tết âm lịch hay Tết Nguyên Đán. Những ngày tết đầu năm này đồng thời cũng là những ngày lễ quan trọng nhất của nhân dân các dân tộc Việt Nam ta, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, là thời khắc đánh dấu một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật. Theo quan niệm của người Việt Nam, Tết Nguyên Đán có ý nghĩa hết sức sâu sắc bởi đây cũng là dịp để chúng ta thể hiện những điều tốt đẹp nhất đối với ông bà tổ tiên, với quê hương và đất nước.Thư viện trường Tiểu học Thạch Bàn B đã tổ chức giới thiệu đến thầy cô và các em học sinh cuốn sách “Sự tích bánh chưng bánh dày” do NXB Kim Đồng xuất bản năm 2007. Cuốn sách khổ 14 x 20cm được in trên giấy cứng dày với những hình ảnh màu sắc đẹp mắt.
Việt Nam là một đất nước đa dân tộc, trong đại gia đình Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc lại có phong tục, tập quán, sinh hoạt… riêng của mình, vì thế đã góp phần tô điểm cho vườn hoa văn hóa Tổ quốc thêm đa dạng và rực rỡ sắc màu.Văn hóa vốn được biểu hiện ở nhiều mặt, xong Tết và lễ hội là nơi thể hiện rõ nét nhất sắc thái văn hóa của từng dân tộc và cũng chính các sắc thái riêng biệt này đã làm nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.Dân tộc Việt (hay còn gọi là dân tộc Kinh) có rất nhiều ngày tết quan trọng trong một năm như: Tết ông Công, ông Táo, tết Thượng Nguyên, Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán, tết Hàn Thực, tết Đoan Ngọ…nhưng không phải ai cũng biết được hết về các truyền thuyết cũng như ý nghĩa của những ngày Tết đó.
Trong Lễ cúng ông Công ông Táo thường có những gì, mâm ngũ quả, mâm cỗ tết thường có những gì? Các em đã biết về tục “gánh nước giao thừa”, tục “xông nhà”, tục “mua muối”, hay “tục hóa vàng” chưa? Các bạn học sinh sẽ lần lượt giải đáp những câu hỏi này qua phần giao lưu với bạn Anh Thư và Quỳnh Phương lớp 4A nhé! Bằng lối dẫn dắt mặn mà, chân thực và lôi cuốn, Anh Thư và Quỳnh Phương đã đưa đến bạn đọc những cảm nhận tinh tế về văn hóa Việt Nam thông qua những phong tục thắm đượm hồn quê. Qua giọng đọc truyền cảm của em Nguyễn Anh Thư và Lê Duy Anh cùng tiểu phẩm Vua Hùng và mâm bánh Lang Liêu và màn hát múa Happy New Year đội văn nghệ lớp 4A đã cho tất cả chúng ta thêm một lần nữa cảm thấy vui mừng và hạnh phúc hơn nhân dịp tết đến, xuân về.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TIÊU BIỂU:
Ba học sinh tham gia giới thiệu sách
Màn trình diễn phụ họa nội dung giới thiệu sách
Tiết mục văn nghệ kết thúc chương trình
Màn múa nam nữ lớp 4A
Bài hát múa Happy New Year